1. Sơ lược về chùa Tàu Đà Lạt

Bạn đến Đà Lạt để vãn cảnh? Bạn đến Đà Lạt để kiếm tìm những không gian thanh tịnh, thư thái? Chùa Tàu chắc chắn là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Gọi là chùa Tàu vì những người đầu tiên xây dựng nên ngôi chùa này là cộng đồng người Hoa sống ở Đà Lạt. Hiện tất cả các tăng ni phật tử trong chùa đều có thể nói tiếng Quảng Đông.

Chùa Tàu Đà Lạt có nét kiến trúc đặc trưng Trung Hoa
Chùa Tàu Đà Lạt có nét kiến trúc đặc trưng Trung Hoa

Chùa nằm trên đồi thông lộng gió, tách biệt hoàn toàn với Đà Lạt phố náo nhiệt. Tuy nhiên chùa cũng không cách quá xa thành phố như thiền viện Trúc Lâm nên bạn sẽ tiện tham quan hơn. Không gian nơi đây tạo cho khách tham quan cảm giác vô cùng dễ chịu, thư giãn, bình an.

Lối vào chùa Tàu
Lối vào chùa Tàu Đà Lạt

Ban đầu, chùa chỉ được xây dựng giản dị với vỏn vẹn 3 gian nhà gỗ lợp mái tôn. Mãi sau này chùa mới được trùng tu khang trang theo lối kiến trúc Trung Hoa và hội quán. Từ đó chùa dần trở thành điểm tham quan nổi tiếng của du khách đến Đà Lạt.

2. Lịch sử hình thành chùa Tàu Đà Lạt

Chùa Tàu được các nhà sư, phật tử người Hoa thuộc tông Khoa Nghiên cùng nhau xây dựng vào năm 1958. Đến năm 1989, chùa đã được ông Lê Văn Cảnh đứng ra trùng tu để chùa có diện mạo khang trang, rộng rãi, thoáng đãng hơn. Ông đã tháo dỡ ngôi nhà ở giữa.

Chùa còn có 2 tên gọi khác là chùa Thiên Vương Cổ Sát và chùa Phật Trầm. Gọi là chùa Thiên Vương Cổ Sát vì trong 4 góc của Từ Bi Bảo Điện trong chùa thờ tượng Tứ Đại Thiên Vương.

Tượng Tây Phương Tam Thánh trong Quang Minh Bảo Điện - chùa Tàu Đà Lạt
Tượng Tây Phương Tam Thánh trong Quang Minh Bảo Điện – chùa Tàu Đà Lạt

Còn tên gọi chùa Phật Trầm gắn liền với 3 bức tượng phật lớn đặt ở Quang Minh Bảo Điện. 3 bức tượng Phật này đều làm bằng gỗ trầm. Tượng được một vị hòa thượng họ Dã thỉnh về từ Hồng Kông vào năm 1958. Mỗi bức tượng cao đến 4m và nặng 1 tấn rưỡi.

3. Đến chùa Tàu Đà Lạt như thế nào?

Địa chỉ chùa Tàu Đà Lạt: 385, đường Khe Sanh, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bạn có thể đi xe máy tới chùa Tàu vì chùa chỉ cách trung tâm thành phố 5km. Đường đi cụ thể đến chùa từ chợ Đà Lạt như sau:

+ Qua cầu Ông Đạo để đến đường Hồ Tùng Mậu.
+ Tiếp tục chạy đến đường Trần Hưng Đạo rồi thẳng tiến vào đường Khe Sanh. Bạn chạy khoảng 350m nữa là đến chùa Tàu.

Chùa Tàu nằm trên đồi thông lộng gió
Chùa Tàu nằm trên đồi thông lộng gió

Bạn cũng có thể đến chùa bằng xe bus từ thành phố Đà Lạt. Thời gian di chuyển là 30 phút. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác lãng mạn ngắm rừng thông trôi nhanh qua ô cửa kính xe bus.

4. Thời điểm thích hợp tham quan chùa Tàu Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố ngàn hoa nên khí trời cùng cảnh sắc tất cũng tươi đẹp nhất vào các mùa hoa. Nếu bạn tranh thủ tham quan chùa Tàu vào những dịp này sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm không khí và cảnh quan thi vị hơn.

Đặc trưng nhất các mùa hoa ở Đà Lạt có lẽ là mùa hoa mai anh đào kéo dài từ tháng 1 đến tận tháng 3. Tiết trời đầu xuân trong lành, dịu mát. Sắc hoa hồng phớt tươi tắn, thơ mộng sẽ tạo thành những trải nghiệm khó quên trong lòng du khách. Đây cũng là thời điểm thích hợp để lên chùa dâng hương, cúng bái, hái lộc đầu năm đúng như phong tục của người Việt.

Mùa hoa mai anh đào ở Đà Lạt
Mùa hoa mai anh đào ở Đà Lạt

Bạn cũng nên thử trải nghiệm Đà Lạt mùa hoa dã quỳ. Những tháng cuối trong năm, Đà Lạt lạnh nhưng cũng vì thế việc tham quan rừng thông bạt ngàn sẽ lãng mạn và nên thơ hơn. Bởi vì sương mù sẽ nhìn như nước suối chảy xuống các rặng thông mỗi sáng mặt trời mọc. Nếu may mắn bạn sẽ chụp được những tấm ảnh để đời khoảnh khắc bình minh hiếm thấy với hoa dã quỳ Đà Lạt.

Mùa hoa dã quỳ ở Đà Lạt
Mùa hoa dã quỳ ở Đà Lạt

5. Những trải nghiệm thú vị ở chùa Tàu Đà Lạt

5.1 Ngắm nhìn nét kiến trúc đậm nét văn hóa Trung Hoa của chùa Tàu

Nét kiến trúc chùa Tàu mang nhiều dấu ấn của nội thất Phật giáo vùng Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu và Hồng Kông. Hiện chùa gồm có những công trình chính là Từ Bi Bảo Điện, Quang Minh Bảo Điện. Hậu viên chùa là gian thờ tượng Phật Thích Ca tọa đài sen.

5.1.1 Từ Bi Bảo Điện

Từ cổng vào bạn sẽ bước tới Từ Bi Bảo Điện đầu tiên. Ở giữa điện là tượng Phật Di Lặc cười đôn hậu cao 3m cùng 2.5m sơn son thiếp vàng. Bốn góc điện được bố trí tượng của Tứ Đại Thiên Vương: Đa Văn Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương và Tăng Trưởng Thiên Vương. Cách bố trí này tạo cho điện thờ một không khí rất trang nghiêm, linh thiêng.

Từ Bi Bảo Điển đầy uy nghiêm ở chùa Tàu Đà Lạt
Từ Bi Bảo Điển đầy uy nghiêm ở chùa Tàu Đà Lạt

5.1.2 Quang Minh Bảo Điện

Sau khi đi qua Từ Bi Bảo Điện, du khách sẽ đến Quang Minh Bảo Điện, điểm nhấn của kiến trúc chùa Tàu. Nơi đây thờ Tây Phương Tam Thánh được tạc thành 3 bức tượng bằng gỗ trầm rất quý. 3 tượng này từ trái qua phải lần lượt là 3 vị: Quan Thế Âm Bồ Tát, A Di Đà và Đại Thế Chí Bồ Tát. Các bức tượng đã tồn tại từ khi mới thành lập chùa đến ngày nay. Trên tường Quang Minh Bảo Điện có rất nhiều tranh minh họa về các tích Phật.

Tượng Phật Trầm ở chùa Tàu Đà Lạt
Tượng Phật Trầm ở chùa Tàu Đà Lạt

5.1.3 Hậu viên chùa Tàu

Cuối cùng là hậu viên chùa Tàu, từng là cốc của nhà sư Thọ Dã, người sáng lập chùa. Ở đây có đặt một tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền trên đài sen. Bức tượng đồ sộ, cao tận hơn 10m luôn được tích cực trùng tu để duy trì vẻ đẹp vốn có.

Tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền trên đài sen
Tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền trên đài sen

5.2 Cảm nghiệm bàn xoay kỳ lạ ở chùa Tàu

Chiếc bàn xoay tại đây cũng là một trong những điểm nổi bật thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Trông bên ngoài thì cũng chỉ như bao chiếc bàn bình thường khác. Thế nhưng bàn xoay sẽ khiến bạn mắt chữ O, mồm chữ A kinh ngạc. Bạn sẽ đặt tay lên bàn và nói ra chiều bạn muốn chiếc bàn xoay theo: “bên trái, bên phải, nhanh hơn,…”. Sau đó chiếc bàn sẽ xoay theo đúng chiều bạn nói.

Bàn xoay kỳ diệu ở chùa Tàu Đà Lạt
Bàn xoay kỳ diệu ở chùa Tàu Đà Lạt

Kết thúc chuyến tham quan, bạn có thể ghé những quán nước, quán lưu niệm trước cổng chùa. Bạn sẽ thong thả nhâm nhi tách trà nóng, thưởng thức chén tàu hũ nóng. Chuyến tham quan sẽ thêm phần ấm cúng, trọn vẹn.

5.3 Thưởng thức Yaourt phô mai và trứng lòng đào gần chùa Tàu

Ở chân dốc chùa Tàu có một quán Yaourt phô mai đặc biệt thơm ngon. Bạn nên ghé vào để thưởng thức. Địa chỉ chính xác quán này là số 48, Khe Sanh. Yaourt ở đây có được làm thủ công từ những nguyên vật liệu tươi ngon, sẵn có ở Đà Lạt: sữa bò tươi nguyên chất, dâu tây, chanh dây và trà xanh.

yaourt phô mai Khe Sanh Đà Lạt
yaourt phô mai Khe Sanh Đà Lạt
Yaourt phô mai làm từ sữa bò tươi nguyên chất
Yaourt phô mai làm từ sữa bò tươi nguyên chất

Yaourt có vị béo bùi rất đặc trưng do được làm từ sữa bò tơ Đà Lạt. Ngoài ra quán còn phục vụ món trứng lòng đào chấm muối tiêu chanh ớt. Mòn này cực kỳ phù hợp cho chuyến tham quan dã ngoại trên đồi thông lộng gió. Giá một hũ sữa chua là 10k và 6k/trứng lòng đào. Bạn cũng có thể đặt sữa chua tại quán giao đi.

Trứng lòng đào Khe Sanh Đà Lạt chân dốc chùa Tàu
Trứng lòng đào Khe Sanh Đà Lạt chân dốc chùa Tàu
Trứng lòng đào Khe Sanh Đà Lạt béo bùi
Trứng lòng đào Khe Sanh Đà Lạt béo bùi

5.4 Những lưu ý khi ghé thăm chùa Tàu

5.4.1 Tác phong tham quan chùa Tàu

Vì đây là nơi thờ tự trang nghiêm, linh thiêng nên khi tham quan, bạn hãy lưu ý có tác phong đúng mực:
– Mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh trang phục hở hang, phản cảm
– Giữ vệ sinh chung khi tham quan: không xả rác bừa bãi, không khạc nhổ ra khuôn viên chùa
– Không được tự ý chạm vào những đồ vật trong đền thờ
– Không gây mất trật tự, ồn ào. Hãy tuyệt đối áp dụng phương châm “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”

5.4.2 Thời gian chùa Tàu đóng – mở cửa

Vì đây là một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng nên có quy định rõ ràng khung giờ tham quan. Chùa mở cửa đón du khách từ 7h sáng đến 17h chiều mỗi ngày. Chùa Tàu không bán vé tham quan, du khách thoải mái trải nghiệm cảnh chùa, cúng bái trong khung giờ cho phép.

5.4.3 Dịch vụ cưỡi ngựa lên chùa Tàu

Vì đường lên chùa Tàu là đường lên đồi nên tại đây cũng có dịch vụ thuê ngựa cưỡi. Nếu bạn không muốn leo bộ lên vãn cảnh chùa thì có thể thử trải nghiệm cưỡi ngựa.

Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tham quan chùa Tàu Đà Lạt
Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tham quan chùa Tàu Đà Lạt

6. Những địa điểm du lịch thú vị gần chùa Tàu Đà Lạt

Tọa lạc trên đường Khe Sanh có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ tiện đi lại tới các địa điểm du lịch lân lận. Nếu đã ghé chùa Tàu bạn nên tham quan luôn vườn hoa Minh Tâm, thiền viện Vạn Hạnh, thiền viện Trúc Lâm cũng vì tiện đường.

6.1 Vườn hoa Minh Tâm

Địa chỉ: 20A, đường Khe Sanh, phường 10, TP. Đà Lạt. Từ ga Đà Lạt đi 1 km về hướng Đông Nam sẽ tới vườn hoa. Vườn hoa Minh Tâm rộng đến 18 hecta với đa phần diện tích có rừng thông bao phủ. Tại đây có trồng nhiều giống hoa quý hiếm ở trong nước lẫn ngoài nước. Chính vì vậy khi vực này đang được nhà nước cải tạo và nâng cấp để trở thành khu bảo tồn và phát triển.

Nhà rông mini trong vườn hoa Minh Tâm
Nhà rông mini trong vườn hoa Minh Tâm

Tại vườn hoa Minh Tâm, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những loài cây đến từ mọi miền đất nước. Nơi đây cũng có những bồn hoa hồng lâu đời nhất thành phố. Hiện khu vườn hoa Minh Tâm có cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng tại các nhà rông mini, nằm trong hệ thống khách sạn 3 sao. Nhà rông nằm ngay trong vườn hoa thanh bình, lãng mạn. Giá phòng khoảng 600k/phòng/đêm, rất đáng để trải nghiệm.

6.2 Thiền viện Vạn Hạnh

Địa chỉ: 39, đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP. Đà Lạt. Thiền viện Vạn Hạnh thuộc phái Bắc Tông. Nếu bạn có đam mê với kiến trúc cổ hay có niềm yêu thích khám phá Phật Giáo, đây là điểm tham quan vô cùng phù hợp. Bạn có thể ghé thăm thiền viện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày vì ở đây không quy định thời gian đóng – mở cửa. Tuy vậy bạn nên ghé tham quan vào ban ngày để ngắm nhìn cảnh quan rõ ràng hơn.

Tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu khổng lồ ngoài trời đẹp nhất Việt Nam
Tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu khổng lồ ngoài trời đẹp nhất Việt Nam

Thiền viện Vạn Hạnh nổi tiếng là thiền viện lớn nhất Đà Lạt. Nơi đây có pho tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu khổng lồ ngoài trời. Kiến trúc vĩ đại của Phật Giáo Việt Nam thì phải kể đến công trình này. Pho tượng này được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Tượng cao 21m với tòa sen cao đến 4m vô cùng uy nghiêm, sống động.

6.3 Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên đường Trần Thánh Tông, phường 10, TP. Đà Lạt. Thiền viện Trúc Lâm nằm trên vị trí đắc địa núi Phụng Hoàng, bên hồ Tuyền Lâm. Thiền viện Trúc Lâm không tính vé vào tham quan, mở cửa từ 5h sáng đến 21h tối mỗi ngày. Địa điểm này thu hút nhiều khách thập phương và cả các tín đồ phật giáo đến hành hương, lễ phật. Bởi đây là thiền viện đẹp nhất Việt Nam.

Thiền Viện Trúc Lâm là nơi cửa Phật hết mực yên bình, thanh tịnh. Bốn bề là non nước hữu tình sẽ giúp du khách gột rửa tất cả những tần tảo, lo toan của cuộc sống hàng ngày. Du khách có thể đi cáp treo từ đồi Robin để đến thiền viện. Các chuyến cáp treo sẽ giúp du khách có góc nhìn toàn cảnh núi rừng Đà Lạt rộng lớn hơn, tươi đẹp hơn.

Thiền viện Trúc Lâm ẩn hiện trong rừng thông
Thiền viện Trúc Lâm ẩn hiện trong rừng thông

Đà Lạt nhỏ bé có khoảng 50 địa điểm du lịch Phật Giáo và chùa Tàu là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng bậc nhất. Nếu bạn cần tìm một nơi để hít thở không khí trong lành, trải nghiệm bình an thì hãy ghé qua chùa Tàu Đà Lạt nhé!